Trọng nam khinh nữ là một tư tưởng phân biệt đối xử theo giới tính, trong đó coi nam giới là quan trọng hơn phụ nữ. Đây từng là một hệ thống tư tưởng tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là dưới chế độ phong kiến. Mặc dù hiện nay quyền phụ nữ được công nhận nhưng hệ thống tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ở một số nước, đặc biệt là gắn liền với các tư tưởng tôn giáo. Ở những vùng khác, nhiều người vẫn còn mang tư tưởng này với nhiều cấp độ khác nhau.
Trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau: phụ nữ sinh ra trai được quý trọng hơn sinh con gái; quyền hành của anh trai trưởng trong gia đình rất lớn (quyền huynh thế phụ); quyền thừa kế gia sản của cha mẹ chỉ dành cho con trai, còn con gái không được thừa kế hoặc chỉ được thừa kế các tài sản nhỏ; việc truyền nghề tại các làng nghề thường không truyền cho con dâu hay con gái; người con trai được học hành để thi cử, tiến thân bằng theo con đường quan lộ nhưng người phụ nữ thì chỉ quanh quẩn với việc nhà v...v...
Cho đến đầu thế kỷ 20, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, phụ nữ vẫn chưa có quyền tham gia bầu cử.
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có văn hóa coi trọng nam giới hơn nữ giới. Nam giới có ưu thế vượt trội so với nữ giới về thể chất, dẫn tới việc họ giành nhiều thành công hơn, có nhiều cá nhân xuất chúng vượt trội so với phái nữ. Vì lẽ đó, xã hội hình thành quan điểm xem trọng nam giới hơn theo đúng quy luật "tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội". Đó không phải là ý muốn chủ quan áp đặt từ phía đàn ông, mà theo nhà tự nhiên học nổi tiếng Charles Darwin thì đó là sự chọn lọc tiến hóa theo quy tắc "kẻ ưu việt hơn sẽ nắm quyền thống trị"[1]:
- Khi việc sử dụng công cụ bằng kim khí xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, việc cày bừa nông nghiệp mang lại hiệu quả rất cao, vượt xa việc hái lượm từ thiên nhiên. Đàn ông với sức khỏe thể chất tốt phù hợp hơn với công việc này và giành lấy quyền lực, vị thế trong gia đình, đóng vai trò trụ cột, quyết định, con cái lấy theo họ cha. Mặt khác, xã hội phân chia giai cấp, quốc gia làm phát sinh chiến tranh, vai trò của nam giới càng được nâng cao vì phụ nữ không thể chiến đấu giỏi như nam giới được.
- Khi xã hội tư bản hình thành và phát triển, giai cấp tư sản làm chủ trong thời gian đó, vai trò của nông nghiệp nhường chỗ cho công nghiệp. Xã hội vẫn ưu tiên cho nam giới hơn vì nam giới làm được nhiều việc hơn so với nữ giới, nhất là các công việc đòi hỏi sức khỏe như thợ máy, thợ mỏ...
- Trong xã hội hiện nay, "bình đẳng giới" được coi trọng, nam và nữ ngang nhau về mọi mặt. Tuy nhiên đó là về mặt quy định pháp luật, còn thực tế về mặt sức khỏe thì nam giới vẫn vượt trội hơn hẳn so với nữ giới. Đó là đặc điểm tự nhiên không thể thay đổi được, do đó các nhân vật xuất chúng (nhà khoa học, lãnh tụ, tướng lĩnh...) vẫn thường là đàn ông. Ngay cả ở các nước phát triển, nơi mà phụ nữ được đối xử hoàn toàn bình đẳng với nam giới, thì đàn ông vẫn thường giành những địa vị cao trong xã hội nhiều hơn hẳn so với nữ giới[2].
Hiện nay nền văn minh nhân loại đang hướng tới bình đẳng nam nữ với sự đề cao quyền bình đẳng trong xã hội của nữ giới tương đương nam giới. Tuy nhiên, những đặc điểm tự nhiên về giới tính được hình thành qua hàng triệu năm tiến hóa thì không thể thay đổi[3]:
- Nam giới có xu hướng hành động nhanh chóng, quyết đoán, trong khi phụ nữ có xu hướng thụ động, bị cảm xúc chi phối.
- Phụ nữ yếu hơn nam giới về thể chất, bởi vì trong hàng triệu năm tiến hóa phụ nữ không thực hiện nhiệm vụ yêu cầu cao về thể chất như nam giới (phụ nữ hái lượm, nam giới săn thú).
- Chức năng não: phụ nữ nói nhiều hơn, trong khi nam giới được định hướng nhiều hơn cho hành động. Nam giới học toán (tư duy logic học) tốt hơn, còn phụ nữ tư duy ngôn ngữ tốt hơn (do họ nói nhiều hơn)
- Phụ nữ luôn có xu hướng tìm kiếm một người đàn ông mạnh mẽ để đạt được sự bảo vệ
- Nam giới có tinh thần sắn sàng đối mặt với thử thách cao hơn phụ nữ.
Quyền lực và sự kiểm soát là động cơ xã hội thực sự đằng sau việc phân chia các vai trò giới tính, thông qua phân công lao động. Không chỉ đơn giản là sự khác biệt về quan niệm xã hội, các đặc điểm tự nhiên đem lại ưu thế cho nam giới (sức khỏe, tư duy logic, mức độ tập trung trí óc đều tốt hơn phụ nữ), vẫn thường thấy xu thế nam giới nổi trội rõ rệt trong các công việc phức tạp như nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nghệ nhân... Ngay cả với những công việc thường được dành cho phụ nữ (nấu ăn), các cá nhân nối bật nhất (đầu bếp chuyên nghiệp) vẫn thường là đàn ông.[3].
- Câu Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô với ý nghĩa là "một con trai thì là có, nhưng mười con gái vẫn là không có" thể hiện cách đánh giá con là nam hay nữ trong Nho giáo. Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa (và thậm chí cả ngày nay) vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai. Nếu không có con cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng. Thế nên phần lớn các gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai.
- Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, ý nói người nam giới có thể có quyền lấy năm, lấy bảy vợ nhưng người con gái thủ tiết chỉ với một người chồng.
- Trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm vạn cũng thể nhờ chồng: nhấn mạnh tiền của dù là hai vợ chồng làm ra hay của người chồng hoặc người vợ làm ra, thì cũng gọi là của chồng cả.
Bàn về vấn đề trọng nam khinh nữ trong văn hóa Việt, Phan Kế Bính viết: Tục ta trọng nam khinh nữ thì là một tục trái hẳn với cách văn minh... Tục ta thì phần nhiều áp chế đàn bà quá. Có người coi vợ như kẻ ăn người ở, nào là bắt sửa túi nâng khăn, nào là bắt cơm dâng nước tiến, nào là bẻ hành bẻ tỏi, nào là bắt nhặt bắt khoan. Chồng ăn chơi như phá không sao, vợ xểnh ra một chút đã sinh ra ỏm tỏi; chồng chim chuột như quỷ thì chẳng hề gì, vợ động đi đâu một lúc thì sinh ra ngờ vực, ấy là trái với đạo công bằng. Tục ta buộc cho đàn bà một chữ trinh mới lại nghiệt nữa. Đã đành trinh tiết là một nết rất quý ở Á Đông ta, không có thể sao bỏ được, nhưng thủ trinh với chồng cốt ở trong bụng, chứ giữ gìn từng li thì tựa như đàn ông quá hà khắc..."[4].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét