Một cuộc tiến quân khác của hạm đội được tiếp nối từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 8, trong đó các tàu chiến-tuần dương thuộc Lực lượng Tuần tiễu I dự định bắn phá thị trấn duyên hải Sunderland với ý định thu hút nhằm tiêu diệt các tàu chiến-tuần dương của Đô đốc Beatty. Do chỉ có hai trong số bốn tàu chiến-tuần dương Đức ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, ba thiết giáp hạm dreadnought được điều về Lực lượng Tuần tiễu cho chiến dịch: Markgraf, Großer Kurfürst và chiếc Bayern vừa mới đưa vào hoạt động. Hạm đội Biển khơi, bao gồm Rheinland, được bố trí phía sau hàng chiến trận[10] sẽ theo sau để bảo vệ.[37] Người Anh đã nhận ra kế hoạch của Đức nên cho xuất phát Hạm đội Grand để đối phó. Đến 14 giờ 35 phút, Đô đốc Scheer được cảnh báo về việc Hạm đội Grand đến gần, và vì không sẵn lòng tiếp chiến với toàn bộ Hạm đội Grand chỉ trong vòng 11 tuần sau trận Jutland, đã quay mũi lực lượng của mình rút lui về các cảng Đức.[38]
Rheinland hỗ trợ cho một đợt càn quét bằng tàu phóng lôi vào Bắc Hải trong các ngày 25-26 tháng 9. Sau đó nó tham gia một đợt tiến quân của hạm đội vào ngày 18-20 tháng 10. Sang đầu năm 1917, con tàu đảm trách nhiệm vụ canh phòng tại German Bight. Thủy thủ đoàn tỏ thái độ bất mãn do chất lượng thực phẩm kém trong tháng 7 và tháng 8 năm đó. Con tàu đã không trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Albion chống lại lực lượng Nga, nhưng tiếp tục ở lại khu vực Tây Baltic phòng ngừa khả năng một cuộc xâm nhập của lực lượng Anh nhằm hỗ trợ cho đồng minh Nga của họ.[18]
[sửa] Viễn chinh Phần Lan
Ngày 22 tháng 2 năm 1918, Rheinland cùng Westfalen được phân công như hạt nhân của một Đơn vị Đặc biệt biển Baltic (Sonderverband Ostsee),[39] và được giao nhiệm vụ đi đến Phần Lan hỗ trợ cho các đơn vị Lục quân Đức được bố trí đến đây. Phần Lan đang ở trong một cuộc nội chiến: phe Bạch vệ tìm kiếm một chính phủ bảo thủ không bị ảnh hưởng bởi Liên Xô vừa mới thành lập, trong khi phe Cận vệ Đỏ ưa chuộng chế độ Cộng sản theo kiểu Xô Viết. Ngày 23 tháng 2, Tiểu đoàn Tác chiến 14 được chuyển lên hai con tàu, và vào sáng sớm ngày 24 tháng 2 chúng lên đường hướng đến quần đảo Åland, vốn được chuẩn bị như một căn cứ hoạt động tiền phương, từ đó cảng Hanko sẽ được củng cố, rồi tiếp nối bằng một cuộc tấn công vào chính thủ đô Helsingfors (ngày nay là Helsinki). Lực lượng đặc nhiệm tiến đến quần đảo Åland vào ngày 6 tháng 3, nơi vị chỉ huy của nó trở thành Tư lệnh Hải quân Cấp cao, một vị trí ông tiếp tục giữ cho đến ngày 10 tháng 4.Vào ngày 11 tháng 4, con tàu khởi hành từ Ålands hướng đến Helsingfors, với ý định tiếp tục đi đến Danzig để tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, trên đường đi nó gặp phải thời tiết sương mù dày đặc, và bị mắc cạn tại đảo Lagskär lúc 07 giờ 30 phút. Hai người đã bị thiệt mạng trong tai nạn này, và con tàu bị hư hại nghiêm trọng; ba phòng nồi hơi bị ngập nước, và vách ngăn lườn tàu bên trong bị xé rách. Các nỗ lực nhằm cho nổi trở lại vào ngày 18-20 tháng 4, có sự hỗ trợ của Posen, đã bị thất bại. Thủy thủ đoàn được cho chuyển đi tạm thời hầu có thể đưa ra hoạt động trở lại chiếc thiết giáp hạm tiền-dreadnought Schlesien. Vào ngày 8 tháng 5, một cần cẩu nổi được gửi đến từ Danzig; các khẩu pháo chính, một số vỏ giáp của tháp pháo cùng vỏ giáp của mũi tàu và thành trì chỉ huy được tháo dỡ. Con tàu được làm nhẹ bớt 6.400 tấn mét (6.300 LT; 7.100 ST), hơn một phần ba trọng lượng choán nước thông thường; và với sự trợ giúp của các phao nổi, cuối cùng nó cũng nổi trở lại vào ngày 9 tháng 7.[18] Con tàu được kéo đến Mariehamn, nơi một số sửa chữa giới hạn được tiến hành.[40] Vào ngày 24 tháng 7, con tàu lên đường đi Kiel có sự trợ giúp của hai tàu kéo; nó đến nơi ba ngày sau đó. Người ta xác định việc sửa chữa triệt để con tàu là không khả thi, thay vào đó con tàu được cho xuất biên chế vào ngày 4 tháng 10 và được sử dụng như một tàu trại binh tại Kiel.[41]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét